Trẻ táo bón mãi không khỏi là tình trạng thường thấy. Thông thường, khi nhắc đến táo bón trẻ em ta thường nghĩ ngay tới chế độ ăn thiếu chất xơ và cần bổ sung thêm nhiều rau xanh cho con. Tuy nhiên, tình trạng táo bón ở trẻ xuất phát từ nhiều nguyên nhân hơn cha mẹ thường nghĩ.
Bài viết liên quan:
- Táo bón chức năng trẻ em là gì? Có nguy hiểm không?
- Chọn thuốc trị táo bón cho trẻ loại nào hiệu quả?
- Cách chữa táo bón kéo dài cho trẻ sơ sinh
Nội dung bài viết
1. Nguyên nhân gây táo bón ở trẻ em
1.1. Hành vi nhịn đi ngoài
Nguyên nhân thường xuất phát từ: trẻ “bận”, mải chơi; trẻ sợ đi vệ sinh.
- Nhà vệ sinh khiến bé không thoải mái, thường gặp ở những bé mới đi học
- Thái độ không thoải mái của cô giáo, cha mẹ mỗi lần trẻ đi đại tiện khiến trẻ nhầm tưởng hành vi này không tốt. Trẻ sợ nên không dám gọi đi ngoài.
- Bé bị ép đi vệ sinh theo một lịch trình cố định.
Nhịn đi vệ sinh khiến phân ở lâu trong cơ thể, lớn và khô cứng. Khiến bé phải gắng sức hơn trong những lần vệ sinh tiếp theo, đôi khi có thể gây rách hậu môn, chảy máu khiến bé càng sợ hơn. Bé sẽ nán vào nhà vệ sinh để tránh bị đau. Trẻ càng nhịn đi tiêu thì phân tích tụ càng nhiều, trực tràng căng dãn, cảm giác mót đại tiện giảm dần khiến tình trạng táo bón của trẻ càng trầm trọng hơn.
Chiếc vòng luẩn quẩn “táo bón-khó chịu-sợ hãi-nhịn tiêu-táo bón” ngày càng thắt chặt và làm nặng hơn tình trạng này.
1.2. Chế độ ăn thiếu chất xơ
Chất xơ bao gồm 2 loại: chất xơ hòa tan và chất xơ không hòa tan. Nếu như chất xơ không hòa tan giúp tăng khối lượng sản phẩm dư thừa trong hệ tiêu hóa, ngăn ngừa chứng táo bón. Thì chất xơ hòa tan hút nước, trương nở và làm mềm phân, từ đó kích thích thành ruột làm tăng nhu động ruột, tăng co bóp để tống phân ra ngoài dễ dàng hơn. Mặt khác, chất xơ hòa tan còn là nguồn “thức ăn” của lợi khuẩn đường ruột giúp hỗ trợ tốt cho hoạt động phân giải và hấp thu thức ăn.
Chế độ ăn thiếu rau củ quả, hoặc việc chế biến thức ăn quá kỹ làm vô tình mất đi lượng chất xơ cần thiết chính là nguyên nhân lớn dẫn đến việc táo bón ở trẻ. Tình trạng này thường xảy ra ở thời điểm chuyển giao, khi trẻ chuyển từ giai đoạn thức ăn lỏng sang thức ăn đặc.
1.3. Thay đổi chế độ ăn uống
- Việc thay đổi từ sữa mẹ sang sữa công thức không phù hợp, pha sữa không đúng như tỷ lệ theo hướng dẫn cũng rất dễ gây táo bón: trong sữa mẹ có chứa hormon motilin giúp hỗ trợ nhu động ruột ở trẻ. Thiếu hormon này khiến việc đại tiện của trẻ khó khăn hơn.
- Trẻ dị ứng hoặc tiêu thụ quá nhiều sản phẩm sữa (phô mai, sữa bò,…)
- Trẻ ăn quá nhiều các loại thịt đỏ (thịt bò, thịt lợn). Lượng chất đạm quá nhiều khiến hệ tiêu hóa của bé quá tải, gây nên sự rối loạn.
- Trẻ uống ít nước: khi cơ thể thiếu nước sẽ kích thích ruột già hấp thu lại nước khiến phân trở nên khô cứng và dễ gây táo bón. Do vậy mà việc cho trẻ uống đủ nước là rất cần thiết. Đặc biệt, cha mẹ không nên cho trẻ uống sữa thay nước.
1.4. Trẻ ít vận động
Trẻ lười vận động, thường hay ngồi lì một chỗ (xem tivi, sử dụng smartphone trong thời gian dài) khiến nhu động ruột giảm, phân ít di chuyển và dẫn đến táo bón.
Tham khảo: Trẻ táo bón do ở trong nhà nhiều và ít vận động trong giai đoạn dịch Covid
1.5. Tác dụng phụ của một số loại thuốc
Một số loại như: thuốc chống trầm cảm, thuốc giảm đau gây nghiện (codein), thuốc chống co giật,… cũng có thể gây táo bón.
Hay việc trẻ sử dụng kháng sinh kéo dài làm mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột, khiến trẻ dễ mắc một số bệnh lý đường tiêu hóa, trong đó có táo bón.
1.6. Nguyên nhân thực thể (5%)
Trẻ bị táo bón xuất phát từ những tổn thương đường ruột, hệ thần kinh,… bên trong cơ thể: bán tắc ruột, hẹp đại tràng, phình đại tràng bẩm sinh, suy giáp, bại não…
Tuy chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ nhưng đây là nguyên nhân chính gây ra táo bón mãn tính ở trẻ, cha mẹ nên sớm đưa trẻ đi khám để có giải pháp điều trị kịp thời.
2. Tại sao trẻ táo bón mãi không khỏi, dai dẳng và hay tái phát?
Con trẻ bị táo bón mãi không khỏi, khó chịu… Cha mẹ đã đưa bé đi thăm khám và điều trị theo chỉ dẫn của bác sĩ nhưng tình trạng cải thiện không đáng kể và hay tái phát. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này?
2.1. Lạm dụng thuốc nhuận tràng, thường xuyên thụt tháo nhiều lần
Thụt hậu môn là phương pháp chỉ định cuối cùng trong điều trị táo bón ở trẻ và chỉ tiến hành khi thực sự cần thiết. Bởi nếu lạm dụng sẽ ảnh hưởng không tốt đến phản xạ tự nhiên của cơ hậu môn, mất phản xạ tự đi ngoài, lệ thuộc thuốc thụt tháo, thuốc xổ, trầm trọng hơn tình trạng táo bón, đây cũng là lý do khiến trẻ táo bón mãi không khỏi. Ngoài ra, việc thụt tháo nhiều lần rất dễ làm trầy xước và chảy máu, gây nhiễm trùng hậu môn ở trẻ. Thay vào đó, cha mẹ cần sử dụng cho trẻ các loại thuốc nhuận tràng đã được khuyên cáo an toàn cho trẻ như: peg 3350 (macrogol 3350), macrogol 4000, lactulose.
2.2. Không cho trẻ vận động
Vì nghĩ trẻ bị ốm, mệt mỏi nên cha mẹ bao bọc con quá mức: cho trẻ ngồi trong cũi, xe đẩy, trẻ ngồi xem hoạt hình, nghịch điện thoại,… nhiều giờ. Nhu động ruột ít hoạt động gây táo bón thường xuyên và kéo dài hơn.
Do vậy, mà cha mẹ cần khuyến khích và tạo điều kiện cho con di chuyển, chạy nhảy, thay đổi khu vực chơi thay vì cho trẻ ngồi một chỗ quá nhiều.
2.4. Không kiên trì bổ sung chất xơ, không tập phản xạ tự nhiên cho trẻ
Các phương pháp sử dụng thuốc thường chỉ giúp điều trị triệu chứng tạm thời. Để chấm dứt tình trạng táo bón kéo dài, dễ tái phát, việc tập phản xạ đại tiện hàng ngày cho trẻ là điều cốt lõi. Đặc biệt, cha mẹ cần kiên trì giải quyết tốt các nguyên nhân gây bệnh, bổ sung chất xơ, nước hàng ngày để dự phòng tốt táo bón xảy ra.
Hy vọng với bài viết trên đây, cha mẹ đã có những kiến thức cơ bản để phòng chống táo bón ở trẻ, cũng như thiết lập được chế độ dinh dưỡng phù hợp cho trẻ bị táo bón.