Theo khảo sát của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, ở Việt Nam có khoảng 45,9 – 57,7% trẻ biếng ăn. Vòng tròn luẩn quẩn của tình trạng biếng ăn ở trẻ liên tục tái diễn khiến không ít bậc phụ huynh rơi vào bế tắc.
Nội dung bài viết
1. Bé biếng ăn hoặc kém hấp thu
Biếng ăn là tình trạng rất hay gặp ở trẻ, xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau như: tâm lý, bệnh tật, môi trường,… Dù xuất phát từ nguyên nhân nào (Đọc thêm Các nguyên nhân biếng ăn ở trẻ), nhưng nếu không chú ý thì cha mẹ cũng sẽ tạo thành thói quen biếng ăn về sau cho trẻ.
Mặt khác, chức năng tiêu hóa của trẻ chưa hoàn thiện nên ngay cả khi ăn uống được nhưng lại không hấp thu được đầy đủ các dưỡng chất cần thiết vào cơ thể. Và khi tình trạng biếng ăn, kém hấp thu kéo dài sẽ để lại hậu quả nghiêm trọng cả về thể chất lẫn trí tuệ của trẻ.
2. Thiếu hụt năng lượng, chất dinh dưỡng
Theo thống kê cho thấy: 78% phụ huynh có con biếng ăn đều lo lắng về tình trạng thiếu hụt dinh dưỡng ở trẻ do phần lớn ở các trẻ này, nguồn dưỡng chất nạp vào cơ thể mỗi ngày không đáp ứng đủ nhu cầu phát triển. Nhiều chuyên gia cũng cho biết: Trẻ biếng ăn trong 2 năm đầu đời có nguy cơ nhẹ cân nhiều hơn 3 lần, thậm chí thua kém từ 6 – 22% chỉ số cân nặng lý tưởng so với trẻ ăn uống tốt.
Ngoài ra, khi biếng ăn trẻ sẽ không có cơ hội hấp thu đủ các vi chất quan trọng. Tuy cơ thể chỉ cần một lượng nhỏ nhưng nếu thiếu lại có thể gây ra tác hại vô cùng lớn như: thiếu vitamin A khiến khô mắt, khô giác mạc có thể dẫn đến mù lòa; thiếu vitamin B1 có thể gây tê phù; thiếu sắt gây thiếu máu; thiếu vitamin D, canxi gây bệnh còi xương, rối loạn tăng trưởng…
3. Nguy cơ suy dinh dưỡng kéo dài
Trong khảo sát tình trạng biếng ăn ở trẻ từ 12-36 tháng tuổi (2013) của BS Lê Thị Kim Dung (BV Nhi Đồng I) cho thấy, tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ biếng ăn lên đến 38,3%. Con số này thực sự đáng báo động cho tình trạng biếng ăn ở trẻ chưa được điều trị kịp thời và quan tâm đúng mức.
Một nghiên cứu tại Guatemala cũng cho thấy khi 3 tuổi, những đứa trẻ được nuôi dưỡng tốt sẽ cao hơn những trẻ bị suy dinh dưỡng nặng đến 13,3 cm. Điều này có nghĩa là trẻ em bị biếng ăn, suy dinh dưỡng lúc 3 tuổi thì về sau này rất khó có thể bắt kịp chiều cao bình thường và nhiều khả năng trở thành người thấp còi khi trưởng thành.
4. Mệt mỏi, suy nhược, giảm khả năng đề kháng
Có đến 9/10 bà mẹ có con biếng ăn than phiền rằng: khi con ăn không đủ khẩu phần, sức đề kháng của trẻ bị suy giảm nghiêm trọng. Lúc này, các bệnh về đường tiêu hóa, hô hấp như viêm họng, viêm đường hô hấp trên, viêm phổi, tiêu chảy… đều có thể dễ dàng tấn công trẻ bất cứ lúc nào. Các số liệu thống kê cũng chỉ rõ: Khi suy giảm hệ miễn dịch, trẻ biếng ăn sẽ có số ngày bệnh kéo dài hơn 29%, nguy cơ viêm nhiễm đường hô hấp trên nhiều hơn 45%. Hệ lụy lại làm trẻ càng ngày càng biếng ăn hơn.
Không chỉ tác động đến chiều cao, cân nặng mà biếng ăn còn gây ra những hậu quả liên quan đến cảm xúc, trí tuệ – ảnh hưởng lâu dài và quyết định đến cuộc sống trong tương lai của trẻ. Trẻ thường xuyên phải đối mặt với tình trạng mệt mỏi, suy nhược, khó chịu,… ảnh hưởng đến khả năng giao tiếp, diễn đạt, hòa đồng với mọi người. Lâu dần, trẻ biếng ăn thường có chỉ số EQ thấp, có xu hướng thụ động, sống thu mình, thiếu bạn bè,…
5. Ốm yếu, mất cảm giác thèm ăn
Tình trạng thiếu vitamin, khoáng chất kéo dài cũng góp phần ảnh hưởng đến sự thèm ăn của trẻ. Thiếu sắt, vitamin B12 có thể gây ra các triệu chứng như chán ăn, mệt mỏi, chảy máu chân răng,…
Mặt khác, tình trạng mệt mỏi, suy nhược cơ thể cũng làm mất cảm giác thèm ăn với bất cứ thứ gì. Các yếu tố này tác động trở lại làm cho trẻ càng biếng ăn và tạo ra vòng tròn luẩn quẩn.
Thực chất, biếng ăn, kém hấp thu là điều mà hầu hết các trẻ đều phải trải qua. Cha mẹ không nên quá lo lắng và cố gắng nhồi nhét, ép con ăn khiến bé càng sợ hãi, không muốn ăn. Nhưng cũng không nên chủ quan, bởi tình trạng này kéo dài sẽ tạo thành một vòng tròn luẩn quẩn khiến biếng ăn ngày càng nặng hơn và gây ra những biến chứng nguy hiểm như suy dinh dưỡng, rối loạn tiêu hóa, suy giảm miễn dịch,… ảnh hưởng rất lớn đến thể chất lẫn trí tuệ của trẻ sau này.
Vì thế, cha mẹ cần tìm hiểu rõ nguyên nhân và cải thiện ngay tình trạng của bé, bằng việc giúp bé lấy lại cảm giác thèm ăn một cách tự nhiên và an toàn, giúp con thoát khỏi tình trạng biếng ăn, bắt kịp đà tăng trưởng.
Với sự tham vấn của PGS, TS, BS Nguyễn Thị Hoàn