Đối với những bậc làm cha mẹ, không có gì quan trọng hơn sức khoẻ của con mình. Là một người mẹ có con mắc bệnh biếng ăn, em cũng đã từng vô cùng hoang mang. Nhìn con ốm yếu lộ hết cả xương sườn mà xót xa không chịu được. Ai chỉ gì cũng làm theo, ai nói món gì bổ dưỡng cũng nghe rồi về làm thử, hết dỗ dành đến hù dọa để ép con ăn.
Có mặt trong hầu hết các nhóm chia sẻ kinh nghiệm làm mẹ, một phần hỏi han, một phần tự đúc kết, cuối cùng thì bé nhà em cũng bắt đầu có da có thịt. Nhìn con hồng hào, chạy giỡn cùng bố nó chứ không mệt mỏi nằm ườn như trước, em cảm thấy cực kỳ hạnh phúc nhưng cũng tự trách mình nhiều hơn.
Nhìn lại quá trình chăm con biếng ăn đầy ám ảnh, em chợt nhận ra mình đã mắc rất nhiều sai lầm nghiêm trọng. Không phải tự nhiên mà con ngày càng ghét ăn, sợ ăn. Giá như mình nhận ra các điều này sớm hơn thì không phải khổ mẹ khổ con suốt một thời gian dài như vậy.
Nội dung bài viết
Cho con ăn uống lung tung không đúng bữa
Trường hợp khiến con biếng ăn này là cực kỳ thông dụng. Với tâm lý con càng ăn nhiều càng mau lớn, càng ăn nhiều càng tốt, em đã hết sức dễ dãi đối với chế độ ăn của bé. Không cần biết đã đến bữa chính hay chưa, cứ hễ con than đói, là đã vừa mừng vừa lo chạy đi chuẩn bị hàng đống đồ ăn. Cứ sợ trễ một chút là bé đổi ý khóc nháo không chịu ăn nữa.
Ông xã em còn chiều con đến mức mà luôn luôn “thủ sẵn” gà rán, bánh kẹo, sữa tươi nguyên kem, nước ngọt mà bé thích mọi lúc mọi nơi. Nhưng đến tận bây giờ em mới biết đây chính là tác nhân đầu tiên và nghiêm trọng nhất gây ra việc con biếng ăn.
Ăn uống không đúng bữa, lâu dần sẽ hình thành thói quen sinh hoạt không khoa học. Bé không cảm nhận được cảm giác đói và no, không còn hào hứng và cảm thấy ngon miệng, tình trạng biếng ăn, sợ ăn bắt đầu xuất hiện. Trong một lần vô tình, em còn để ý thấy, với trẻ em, sau cảm giác tò mò, “thích thú tột độ” sẽ là sự chán ghét đến vô cùng. Bé sẽ đòi hỏi, yêu cầu cao hơn đối với các món ăn hoặc chỉ chọn ăn 1 món ưa thích, làm mất cân bằng dinh dưỡng và gây ra các tác hại nguy hiểm khác.
Tốt nhất, thay vì ăn uống tuỳ hứng vào những giờ giấc không ổn định, ta nên phân thành các bữa chính, bữa phụ. Đến giờ, khi cảm thấy đói bụng, con phải tự giác ngồi vào bàn ăn. Em cũng thường chia từng phần nhỏ ra đĩa, sau khi con ăn hết thì ta sẽ gắp thêm cho bé. Nhờ bí quyết nhỏ này mà trẻ sẽ không còn “choáng ngợp” và ám ảnh với đống thức ăn đồ sộ trước mặt!
Nuông chiều mọi “yêu sách” của con
Quá áp lực về việc phải ép con ăn hết khẩu phần cho bằng được, gia đình em cũng đã từng mù quáng, tìm mọi cách dụ hống, dỗ dành, nuông chiều quá mức. Chẳng hạn chuyện dắt con đi lê la khắp đầu trên cuối phố chỉ để đút hết một bát cháo hoặc vừa ăn vừa chơi điện thoại, máy tính bảng, xem tivi cũng đã chẳng còn xa lạ gì.
Sai lầm nhất làm con biếng ăn là em còn dùng cách treo thưởng, trao đổi: “Con ăn hết chén cơm này thì mẹ mới cho con ăn bánh snack, khoai tây chiên mà con thích…”. Những cách thức này sẽ có hiệu quả vài ngày đầu giúp bé ngoan ngoãn ăn cơm, tuy nhiên nó cũng sẽ trở thành sai lầm xương máu làm tình trạng biếng ăn càng trở nên trầm trọng.
Con em ngày càng lém lỉnh, học được cách trả giá, “được voi đòi tiên” và không hề tự giác ăn uống như trước. Thay vì một chén cơm đổi một que kem, con sẽ chỉ ăn vài muỗng, nhất quyết kì kèo để được ăn quà vặt nhiều hơn. Sự tác động của thiết bị điện tử cũng làm bé mất tập trung, ăn chậm và ít, lười nhai, lâu nuốt, gây rối loạn tiêu hoá.
Con bị ép ăn đến mức ám ảnh
Nuông chiều con không tốt đã đành, có lúc tế tắc, quá áp lực và stress, em và chồng cũng từng doạ nạt, quát mắng, đánh mông, bóp miệng con rồi đút cơm vô. Tiếng khóc tức tưởi, tiếng ho sặc sụa, tiếng nôn ọe của con làm hai đứa vừa điên cuồng vừa nức nở theo con.
Ai cũng biết rằng hành động này sẽ tạo thành các vết thương tinh thần không dễ xoá nhoà cho trẻ làm con biếng ăn hơn nhưng sự nóng ruột, dồn nén và cảm tính đã khiến cả nhà như bùng nổ. Đến khi đã bình tĩnh lại, em mới chợt ân hận phát hiện ra là người lớn chúng ta rất hay ước lượng khẩu phần ăn cho con bằng mắt chứ không có liều lượng cụ thể. Đôi khi con đã ăn quá no, ta vẫn bất chấp thúc ép theo những cách thức rất tàn nhẫn.
Nhiều em bé có dạ dày nhỏ, thành ruột non mỏng, ăn quá nhiều con cực kỳ khó chịu, chướng bụng, khó tiêu, thậm chí là nôn ói. Có một số trường hợp bé còn bị tổn thương dạ dày hoặc rối loạn tiêu hoá mãn tính.
Tuy nhiên, đó chưa phải là điều đáng sợ nhất, stress ở trẻ nhỏ và hệ quả kén ăn, chỉ cần ngửi mùi cơm, thịt hoặc đến giờ ăn là con chạy trốn, khóc nháo mới là vấn đề đáng lo ngại. Dần dần con biếng ăn ngày càng nhiều, càng dễ bị suy dinh dưỡng, não bộ chậm phát triển, nghiêm trọng hơn nó còn gây ra các sang chấn tâm lý làm thay đổi tính cách của bé sau này.
Ba sai lầm trên quen thuộc và phổ biến đến mức em đã vô tình bỏ lơ nó trong suốt một thời gian dài. Đến khi tá hỏa phát hiện ra thì gia đình em mới phải tức tốc thay đổi tư duy và thói quen sinh hoạt. Thời gian thích ứng cũng hết gần nửa năm. Tuy nhiên, sau mọi nỗ lực thì căn bệnh biếng của con em đã cải thiện đáng kể. Bé không còn xa cách ba mẹ mà dám chỉ rõ mình thích món nào, ghét món nào, thèm ăn món nào để mẹ nấu nữa.
Không có gì vui vẻ và hạnh phúc bằng việc được chứng kiến con ăn ngon, phát triển bình thường qua từng ngày như hiện tại. Đây là những sai lầm xương máu mà em đã đút kết được sau từng ấy thời gian nuôi con và chiến đấu với chuyện con biếng ăn. Hi vọng là dù có nóng ruột, buồn bã ra sao, các mẹ cũng đừng vì ép con ăn quá mà hóa liều, phản tác dụng như em ạ!