Nhận biết được những dấu hiệu suy dinh dưỡng ở trẻ sẽ giúp các bậc cha mẹ có những thay đổi phù hợp trong cách chăm sóc con cái, cũng như khẩu phần ăn hàng ngày cho trẻ.
Là cha mẹ, ai cũng mong muốn điều tốt đẹp nhất cho con cái. Nhưng với cuộc sống bận rộn, chúng ta không tránh khỏi những lúc dễ dãi chiều theo thói quen sống nhanh, sống vội và khó đảm bảo bữa ăn cân bằng dinh dưỡng cho cả gia đình. Điều đó đã vô tình trở thành nguy cơ gây suy dinh dưỡng ở trẻ.
Nội dung bài viết
Suy dinh dưỡng ở trẻ có nguy hiểm không?
Vẫn còn những cha mẹ nuôi con theo tiêu chí khối lượng hơn là những bữa ăn lành mạnh, cân bằng về dinh dưỡng. Khi những dấu hiệu rõ ràng đã xảy ra như sụt cân, rối loạn tiêu hóa,… thì cha mẹ mới kịp để ý và quan tâm đến con mà không hề biết rằng, cơ thể của bé đã phải trải qua một khoảng thời gian điều chỉnh để thích nghi trước đó. Các triệu chứng biểu hiện rõ ràng thành bệnh thì cũng là lúc sự phát triển về cả thể lực lẫn trí tuệ của trẻ đã bị ảnh hưởng trong một thời gian dài.
Suy dinh dưỡng ở trẻ nguy hiểm hơn bạn nghĩ (Internet)
Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy suy dinh dưỡng (SDD) trong giai đoạn trước, trong quá trình mang thai và trong hai năm đầu đời của trẻ – đã “lập trình” cho khả năng của mỗi cá nhân trong việc phát triển sau này. SDD đầu đời có thể dẫn đến những tổn thương không hồi phục được đối với sự phát triển của não bộ, hệ miễn dịch và thể lực. Trẻ có não kém phát triển ở những năm đầu đời có nguy cơ cao hơn về các bệnh thần kinh, kết quả học tập kém hơn, kỹ năng làm việc, chăm sóc con cái kém,… Ngoài ra, SDD còn làm suy yếu hệ miễn dịch khiến trẻ dễ mắc viêm phổi, tiêu chảy hay sốt rét hơn, đồng thời nguy cơ tử vong từ những bệnh thường gặp này cũng cao hơn.
Kiến thức thực hành dinh dưỡng của cha mẹ ngày một nâng cao. Song nếu chỉ xét trên yếu tố cân nặng thì thực sự là thiếu sót.
Ở Việt Nam, SDD thấp còi và thiếu vi chất dinh dưỡng vẫn còn là thách thức. Tỷ lệ SDD thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi tính chung cả nước mỗi năm giảm 1% nhưng vẫn còn ở mức cao (24,3% năm 2016).
Khuynh hướng thay đổi gia tăng về chiều cao ở người trưởng thành phụ thuộc rất nhiều vào 2 năm đầu đời. Đây là thời kỳ tăng trưởng cao nhất sau sinh và do đó rất nhạy cảm với các yếu tố bất lợi. Trẻ thấp còi ở giai đoạn này ít có cơ hội đạt chiều cao bình thường khi trưởng thành hoặc đòi hỏi thời gian dài qua các thế hệ.
Biểu đồ chiều cao và cân nặng chuẩn cho trẻ em Việt Nam (Internet)
Dấu hiệu nhận biết trẻ suy dinh dưỡng
SDD là tình trạng thiếu hụt các chất dinh dưỡng cần thiết, làm ảnh hưởng đến quá trình phát triển ở trẻ nhỏ. Ứng với từng bé, ở từng giai đoạn khác nhau thì tình trạng SDD lại có những biểu hiện khác nhau:
Trẻ suy dinh dưỡng độ I
Cân nặng của trẻ chỉ bằng 70% – 80% cân nặng của trẻ bình thường (cân nặng chuẩn theo tuổi, giới tính). Khám thấy lớp mỡ dưới da bụng mỏng. Trẻ vẫn thèm ăn và không có dấu hiệu rối loạn tiêu hóa.
Trẻ suy dinh dưỡng độ II
Cân nặng của trẻ chỉ còn 60-70% cân nặng của trẻ bình thường. Trẻ gầy gò, không có lớp mỡ dưới da: bụng, mông, tay, chân. Thường bị rối loạn tiêu hoá từng đợt và có thể kèm theo biếng ăn.
Trẻ suy dinh dưỡng độ III (Suy dinh dưỡng nặng)
Trẻ bị SDD nặng có các hình thái biểu hiện khác nhau: thể teo đét, thể phù và thể phối hợp. Không phải chỉ có trẻ gầy mới đáng lo lắng về tình trạng dinh dưỡng, mà cơ thể bụ bẫm, tròn trịa cũng là một trong những biểu hiện của SDD (thể phù).
Thể teo đét
Trẻ em bị SDD ở thể này có nguyên nhân chủ yếu là do thiếu hụt các dưỡng chất cần thiết.
- Cân nặng của trẻ thấp hơn 60% trọng lượng của trẻ bình thường. Trẻ gầy đét, da bọc xương do mất toàn bộ lớp mỡ dưới da bụng, mông, chi, má
- Thường xuyên có các biểu hiện của rối loạn tiêu hoá: đi tiêu phân lỏng, phân sống.
- Trẻ có thể chán ăn hoặc ăn kém, ủ rũ, kém linh động và hay quấy khóc.
- Cơ nhão ảnh hưởng đến sự phát triển về vận động.
Thể phù
Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến trẻ bị mắc SDD thể phù là do thiếu chất đạm.
- Lúc này cân nặng của trẻ còn khoảng 60-80% trọng lượng của trẻ bình thường.
- Mặt bé tròn trịa nhưng chân tay khẳng khiu, thiếu máu, gan to phình. Biểu hiện phù làm cho trẻ trông có vẻ bụ bẫm mà dân gian thường gọi là “xổ sữa”
- Rối loạn sắc tố da và các tế bào da bị chết. Trên da xuất hiện những đốm màu đỏ sẫm, đen loang lổ hoặc bong vảy, chốc lở
SDD thể phù nguy hiểm do khó điều trị và tỷ lệ tử vong cao trong khi cha mẹ thường không lưu tâm vì ban đầu bệnh không có nhiều biểu hiện trầm trọng. Ngoài ra, còn có một vài đặc điểm khác như tóc trẻ bị thưa dễ rụng, móng tay mềm dễ gãy. Trẻ ăn kém, nôn trớ, đi ngoài phân sống lỏng có nhày mỡ. Trẻ hay quấy khóc, cơ nhão, kém vận động.
Thể phối hợp
SDD thể phối hợp là dạng kết hợp giữa SDD thể teo đét và thể phù, nguyên nhân là do trẻ bị thiếu năng lượng và thiếu đạm.
- Cân nặng của trẻ giảm xuống dưới 60% trọng lượng của trẻ bình thường
- Trẻ bị phù nhưng cơ thể lại gầy đét, da bọc xương, má tóp nhưng lại phù ở mu bàn chân và có thể có mảng sắc tố
- Trẻ ăn rất ít và hay bị rối loạn tiêu hoá
Phòng ngừa và điều trị suy dinh dưỡng ở trẻ đúng cách
Để tình trạng SDD, đặc biệt là SDD thấp còi không còn là nỗi lo, ngoài việc theo dõi cân nặng, chiều cao của trẻ ngay từ những năm tháng đầu đời thì chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt cũng là những điều mà cha mẹ cần lưu ý:
- Ở giai đoạn mang thai, người mẹ cần bổ sung nhiều hơn bình thường các loại dinh dưỡng, đặc biệt là vitamin A, B, PP, C,… khoáng chất như sắt, canxi,… Cho trẻ bú ngay sau sinh và kéo dài 18-24 tháng, tập cho trẻ ăn dặm vào tháng thứ 6
- Bổ sung thực đơn đa dạng, thịt cá, rau xanh, trái cây, sữa,…
- Tuân thủ tiêu chí “ăn chín uống sôi”, giữ vệ sinh cá nhân cho trẻ để phòng tránh các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa, hô hấp
- Điều trị triệt để các bệnh nhiễm trùng, chăm sóc đảm bảo đủ chất dinh dưỡng cho trẻ trong thời gian bị bệnh và giai đoạn phục hồi dinh dưỡng sau đó
- Định kỳ tẩy giun 6 tháng/lần cho trẻ trên 2 tuổi
Tháp dinh dưỡng cho trẻ từ 3-11 tuổi (Internet)
Theo Tổ chức Y tế Health Canada và Today’s Parents, trẻ em khỏe mạnh, phát triển bình thường không cần dùng đến vitamin tổng hợp. Nhưng khó có thể đảm bảo chế độ dinh dưỡng đầy đủ cho bé, nhất là khi trẻ kén ăn, biếng ăn, gặp các vấn đề về tiêu hóa, hô hấp, thường xuyên sử dụng thức ăn nhanh, nhất là ở trẻ đang có nguy cơ SDD. Vì vậy mà việc bổ sung vitamin tổng hợp cho bé trong trường hợp này là rất cần thiết. Với trẻ nhỏ thì vitamin tổng hợp dạng nhỏ giọt tiện lợi, phân liều chính xác và thường được các bác sĩ khuyên dùng.
Với sự tham vấn của PGS, TS, BS Nguyễn Thanh Chò