Chứng tự kỷ là một dạng khuyết tật phát triển về tâm thần kéo dài suốt cuộc đời. Người mắc chứng tự kỷ gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, các em cần được quan tâm đúng cách để được sống bình đẳng, được đáp ứng các nhu cầu đặc biệt, được phát triển các năng lực bản thân và đóng góp cho xã hội.
Rối loạn phổ tự kỷ (Autism Spectrum Disorder – ASD) là một rối loạn sinh học thần kinh phức tạp, ảnh hưởng tới tương tác xã hội, giao tiếp và sở thích, hành vi của con người. Các biểu hiện đặc trưng của tự kỷ xuất hiện rất đa dạng, kết hợp với nhau, ở các mức độ khác nhau từ nhẹ tới nặng
Rối loạn phổ tự kỷ có tỷ lệ khoảng 1% dân số thế giới. Tự kỷ khởi phát từ khi trẻ còn nhỏ, thường biểu hiện trước 3 tuổi và kéo dài, ảnh hưởng nghiêm trọng tới khả năng học tập, hòa nhập xã hội, sinh hoạt hàng ngày và khả năng thích ứng. Trong đó, trẻ nam có tỷ lệ mắc cao hơn trẻ nữ khoảng 4-6 lần
Những dấu hiệu sau đây chỉ ra con bạn đang có nguy cơ mắc rối loạn phổ tự kỷ
Giảm tương tác xã hội: Thiếu hụt những kỹ năng tương tác xã hội là vấn đề cơ bản của rối loạn phổ tự kỷ
– Trẻ ít giao tiếp bằng mắt;
– Trẻ thường lờ đi, ít đáp ứng khi được gọi tên;
– Trẻ thích chơi một mình, ít chơi tương tác với trẻ khác. Trẻ không biết hoặc hiếm khi chia sẻ những sở thích của mình với người khác;
– Trẻ ít hoặc không có những cử chỉ điệu bộ để giao tiếp như chào, tạm biệt, lắc dầu, gật đầu, xua tay, ạ, xin…
– Trẻ kém sự chú ý chung như nhìn theo tay chỉ, làm theo hướng dẫn, chỉ bằng ngón troe thứ mình muốn hoặc quan tâm;
– Trẻ ít cười đáp lại, ít để ý tới thái độ người khác. Trẻ ít chia sẻ, trao đổi tình cảm với người khác. Trẻ gặp khó khăn khi hiểu cảm xúc, nét mặt của người khác.
Suy giảm chất lượng giao tiếp:
Các trẻ tự kỷ có thể có các kỹ năng giao tiếp khác nhau, nhìn chung là đều suy giảm so với trẻ cùng tuổi. Nhiều trẻ chậm nói, nhưng một số trẻ vẫn có khả năng diễn đạt bằng ngôn ngữ. Một số trẻ đã nói được nhưng đến 16 – 24 tháng lại mất dần ngôn ngữ
Với những trẻ nói được, các khó khăn về lời nói thường gặp là: nói nhại lời, diễn đạt kém, nói ngược. Ngôn ngữ của trẻ tự kỷ thường không chủ động, không biết đặt câu hỏi, không biết khởi đầu và duy trì một cuộc hội thoại. Giọng nói khác thường như: cao giọng, thiếu diễn cảm, nói nhanh, nói ríu lười, nói không rõ ràng. Trẻ không dùng điệu bộ, cử chỉ để hỗ trợ lời nói trong giao tiếp
Trẻ không biết chơi trò chơi tưởng tượng, giải vờ mang tính xã hội hoặc trò chơi có luật như những trẻ cùng tuổi.
Các hành vi, thói quen, sở thích bất thường, giới hạn, lặp đi lặp lại
Trẻ có thể có những hành vi định hình như đi kiễng gót, quay tròn người, ngắm nhìn tay, nhìn nghiêng, lắc lư người, vỗ tay hoặc vẫy tay…
Những thói quen rập khuôn thường gặp là: quay bánh xe, quay, gõ đập đồ chơi, đi về theo đúng một đường, luôn bóc nhãn mác, xếp các thứ thành hàng,…
Những ý thích bị thu hẹp thể hiện như luôn cầm nắm một thứ trong tay như bút, que, giấy, chai lọ, đồ chơi có mầu ưa thích,…
Hiện nay, nguyên nhân của rối loạn phổ tự kỷ còn chưa được biết rõ. Các nghiên cứu chỉ ra rất nhiều gen có liên quan tới tự kỷ. Chính vì thế, cha mẹ không có lỗi trong việc trẻ mắc tự kỷ.
Ngày nay, chưa có biện pháp nào chữa khỏi hoàn toàn tự kỷ. Tuy nhiên, nhiều bằng chứng khoa học cho thấy can thiệp sớm bằng các biện pháp tâm lý giáo dục đã mang lại những tiến bộ rõ rệt, làm tăng khả năng giao tiếp, nhận thức và hòa nhập xã hội của trẻ. Gia đình đóng vai trò vô cùng quan trọng trong chiến lược can thiệp tự kỷ. Với những trường hợp trẻ tự kỷ mức độ nặng nhưng gia đình chủ quan, thờ ơ, không tích cực thì rất có thể sẽ dẫn tới tương lai tàn tật của trẻ, mang lại gánh nặng của gia đình, xã hội sau này.
Giải pháp mới hỗ trợ quá trình phục hồi cho trẻ tự kỷ
Kết quả một nghiên cứu khoa học đăng trên tạp chí “Thuốc ngủ lâm sàng” số ra tháng 4/2009 cho biết những trẻ mắc bệnh tự kỷ (ASD), hội chứng suy nhược thần kinh di truyền (FXS) hoặc mắc cả hai bệnh này sẽ đi vào giấc ngủ dễ dàng hơn nếu các em được uống khoảng 3mg thuốc Melatonin vào giờ đi ngủ.
Trong nghiên cứu nói trên, Tiến sỹ Beth L. Goodlin-Jones tại trường Đại học California cho biết việc điều trị bằng các chế phẩm chứa thuốc melatonin có lợi cho trẻ ở mọi độ tuổi, giúp chúng ngủ dễ hơn và theo đó làm dịu những áp lực mà bố mẹ chúng gặp phải trong việc dỗ cho con ngủ.
Nghiên cứu thu thập thông tin từ 12 trẻ em bị bệnh tự kỷ và suy nhược thần kinh được dùng chế phẩm chứa melatonin hoặc giả dược (Placebo). Sau khi được uống thuốc trong hai tuần, cộng thêm hai tuần nữa điều trị bằng các biện pháp, tất cả những trẻ này có sự cải thiện rõ rệt về tổng thời gian ngủ vào ban đêm, thời gian tiềm tàng để đi vào giấc ngủ và thời gian khởi phát giấc ngủ.
Thời gian giấc ngủ dài hơn khi sử dụng melatonin so với giả dược là 21 phút, thời gian tiềm tàng khởi phát giấc ngủ ngắn hơn 28 phút và thời gian khởi phát giấc ngủ sớm hơn 42 phút. Các tác giả cũng khẳng định rằng việc sử dụng bổ sung những chế phẩm chứa melatonin nên được dùng để kiểm soát giấc ngủ ở trẻ mắc bệnh tự kỷ và FXS./.
ThS Tâm lý học. Mai Thanh Thủy – Webiste: benhviendakhoatinhphutho.vn